Làm thế nào để dừng thói quen dịch tiếng Anh sang tiếng Việt khi sử dụng?

by iets 8.0

Như ở các bài viết trước, tôi đã đề cập đến những ảnh hưởng của việc liên tục dịch các nội dung bằng tiếng Anh như cuộc hội thoại, phụ đề video, nội dung một bài báo,… sang tiếng Việt, cũng như những lợi ích của việc học tiếng cách suy nghĩ bằng tiếng Anh. Nhưng hãy lưu ý, nội dung của những bài viết này thường nhắm đến nhưng người đang học tiếng Anh có trình độ trung cấp và cao cấp, tức là bạn phải có một lượng kiến thức và từ vựng nhất định, chứ không nhắm đến những ai vừa tiếp xúc với tiếng Anh, và vẫn gặp nhiều khó khăn vì vốn từ vựng và ngữ pháp không đủ.

Và một lẽ dĩ nhiên, nếu đã đặt ra vấn đề, tôi cũng sẽ phải đưa ra cho các độc giả của tôi những giải pháp để giải quyết các vấn đề đó. Và trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ cho các bạn 5 cách để chấm dứt thói quen dịch sang tiếng Việt khi sử dụng tiếng Anh

1. CHỈ sử dụng từ điển Anh – Anh

Việc sử dụng từ điển Anh – Anh sẽ giúp bạn mở rộng vốn từ bản thân, cũng như hiểu được cách người bản đia sử dụng các từ vựng đó trong từng ngữ cảnh.

Có 2 loại từ điển mà bạn có thể sử dụng:

  • Từ điển Anh – Anh: giải thích nghĩa của từ tiếng Anh mà bạn đang muốn tra cứu.
  • Từ điển từ đồng nghĩa (Thesaurus): liệt kê các từ đồng nghĩa, từ gần nghĩa, thậm chí là từ trái nghĩa của các từ vựng cần tra cứu. Đây là loại từ điển rất hữu dụng cho những người ở trình độ trung cấp tiếng Anh, bởi nó cung cấp cho người sử dụng vốn từ vựng vô cùng lớn cũng như cách sử dụng phù hợp đối với nghĩa của từng từ.

Hãy bỏ những cuốn từ điển Anh – Việt – Anh mà bạn vẫn dùng trước đây đi, hoặc ít nhất là chỉ sử dụng nó trong trường hợp cần thiết. Cố gắng đừng để sự tiện lợi của loại từ điển này cám dỗ, bởi như tôi đã đề cập, nó không tốt cho bạn trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh đâu.

Thay vào đó, hãy thử cách học từ vựng mới bằng nghĩa tiếng Anh hoặc các từ đồng nghĩa – trái nghĩa với chúng, dần dần bạn sẽ thấy sự hiệu quả của phương pháp này.

Tất nhiên không thể phủ nhận, trong thời gian đầu bạn sẽ thấy không quen, thậm chí là cảm thấy khó khăn, nhưng hãy cố gắng ép bản thân đi theo phương pháp này, khi đã quen, bạn sẽ cảm thấy khả năng nắm bắt và sử dụng tiếng Anh của mình tốt hơn rất nhiêu.

2. Đừng sử dụng phụ đề dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

Như đã đề cập ở bài viết trước đó, bạn thật sự không nên sử dụng phụ đề tiếng Việt khi xem phim, video hoặc podcast bằng tiếng Anh. Thay vào đó, hãy chỉ sử dụng phụ đề tiếng Anh trong quá trình xem.

Bằng cách này, bạn đang bắt bản thân tiếp nhận tiếng Anh một cách chủ động và bị động cùng một lúc, khiến cho khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh của bạn cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, kỹ năng nghe của bạn cũng sẽ có tiến bộ không nhỏ.

3. Đừng đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ

Tôi nhận ra có rất nhiều bạn học tiếng Anh thường có thói quen rất xấu, đó là việc phân tích quá đà mọi thứ. Thậm chí, kể cả khi nghĩa của một vài từ đã rất rõ ràng, họ vẫn liên tục hỏi: “Nhưng anh hãy giải thích giúp em tại sao em phải dùng từ này thay vì từ kia? Tại sao chứ?”

“Tại sao mình phải dùng “tonight” trong khi bây giờ mới là buổi tối?”

“Tại sao người ta lại dùng từ “dinner” trong khi đó chỉ là bữa ăn khuya?”

“Tại sao lại dùng “Close the office door”, trong khi đó là cái cửa của văn phòng, có yếu tố sở hữu trong này nên chúng ta phải dùng “office’s door” chứ.”

Mỗi nền văn hóa đều có lịch sử phát triển và sử dụng ngôn ngữ khác nhau, vẫn có sự tương đồng, nhưng không phải tất cả. Do đó, việc bạn liên tục hoài nghi vì sao người ta thường sử dụng từ này thay vì từ kia là một việc rất vô nghĩa, bởi kể cả người bản địa cũng không thể giải thích rõ tại sao họ lại dùng như thế, chỉ đơn giản là họ đã dùng như vậy từ nhỏ và những người xung quanh họ đều sử dụng như vậy thôi. Hãy CHẤP NHẬN cách mà chúng ta sử dụng tiếng Anh, đừng cố giải nghĩa nó.

4. Đừng sử dụng Google Translate, thay vào đó hãy sử dụng các công cụ tìm kiếm thông thường

Trong tình huống này, tôi đang đề cập đến một phương pháp học tiếng Anh, đó là sử dụng công cụ tìm kiếm Google để tìm hiểu cách sử dụng từ vựng như một người bản địa.

Việc sử dụng Google Translate chỉ cung cấp cho chúng ta nghĩa và một vài ví dụ, trong khi đó Google Search sẽ cho ra kết quả không chỉ là nghĩa tiếng Việt, tiếng Anh, mà còn có một số giải thích liên quan đến từ vựng cũng như ngữ cảnh mà người ta sử dụng các từ ấy. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm được nghĩa chuyên ngành của từ ấy (trong một vài lĩnh vực chuyên ngành, một số từ thông dụng sẽ có nghĩa khác so với nghĩa mà người ta thường dùng nó); hình ảnh minh họa cho cụm từ ấy;…

5. Đừng cố hiểu nghĩa của từng từ nhỏ trong một cụm từ lớn

Sự cầu toàn có và mong muốn tìm hiểu có thể khiến bạn muốn biết ý nghĩa của từng từ nhỏ trong một cụm từ lớn. Có người đã từng nói với tôi: “Làm sao anh hiểu được nghĩa của cụm “pangs of conscience” trong khi anh không hề biết nghĩa của từ “pang” trong tiếng Việt?”

Và nếu bạn hỏi câu hỏi tương tự với người khác, có thể bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời: “Ai thèm quan tâm? Tôi chỉ cần biết cả cụm “pangs of conscience” có nghĩa là “lương tâm cắn rứt” thôi”.

Trên thực tế, có rất nhiều người đang học tiếng Anh coi việc bản thân phải hiểu được và dịch được từng từ mà mình nghe được hoặc đọc được sang tiếng Anh là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, sự thật là đôi khi chúng ta phải tập bỏ qua nghĩa của từng từ đơn lẻ, thay vào đó là nghĩa của toàn bộ cụm từ lớn. Việc này sẽ khiến quá trình học và sử dụng tiếng Anh của bạn sẽ cải thiện đáng kể, độ trôi chảy cũng nâng cao. Trừ khi, mục tiêu của bạn không chỉ là học cách sử dụng tiếng anh thành thạo, thay vào đó là muốn học và hiểu chuyên sâu về ngành ngôn ngữ Anh.

You may also like

Leave a Comment